"Cứ mấy ngày là bé lại bị hăm. Mình dùng thuốc chống hăm, kem chống hăm... nói chung là ai chỉ gì làm đó mà con vẫn bị", mẹ Zin than thở.
Không hiểu sao khi bước sang tháng thứ 7, bé Zin đi tè, đi ị liên tục khiến bà và mẹ phải đóng bỉm cho Zin gần như cả ngày. Mỗi ngày, Zin phải tiêu thụ hết 5-7 cái bỉm là chuyện hết sức bình thường. Đã thế, Zin lại rất hiếu động nên bà nội ở nhà chăm cháu thì không thể xi Zin tè được. Cho nên, lựa chọn tốt nhất là... đóng bỉm. Bởi vì, chỉ cần tháo bỉm vài phút là Zin tè ướt hết quần, ướt cả tất.
Dù sợ con bị hăm nhưng mẹ Zin không còn lựa chọn nào khác. "Cứ mấy ngày là bé lại bị hăm. Mình dùng thuốc chống hăm, kem chống hăm... nói chung là ai chỉ gì làm đó mà con vẫn bị", mẹ Zin than thở.
Nguyên nhân gây hăm tã
Trẻ sơ sinh thường hay bị chứng hăm tã. Đó là hiện tượng vùng háng, mông bị nổi mẩn đỏ, có thể vùng da này bị đau, rát.
Một trong những nguyên nhân là do trẻ nhỏ bài tiết liên tục, việc vệ sinh, thay tã không kịp thời hoặc bé bị ủ quấn trong tã quá lâu mà gây nên.
Hiện tượng này thường hay gặp ở các bé đeo tã giấy liên tục suốt ngày đêm.
Kinh nghiệm hay của các mẹ
Theo chị Nga (Lào Cai) kinh nghiệm chống hăm cho con là cần vệ sinh vùng quấn tã và thay bỉm thường xuyên, nhất là sau khi bé “ị”. Vì nếu chất thải bị bọc trong bỉm lâu, cọ xát với làn da của bé thì rất dễ gây hăm. Dù rất “xót” tiền nhưng cứ khoảng 4 tiếng đồng hồ, chị lại thay bỉm cho con một lần. Tuyệt đối không lười lau rửa cho con vì mỗi lần tè ra, nước tiểu đọng lại ở vùng kín của bé.
Còn chị Hòa (Nam Định) mỗi khi thay tã cho con, chị thường lau rửa cho bé bằng nước trà xanh ấm. Sau đó lấy khăn xô thấm khô, rồi dùng kem chống hăm bôi lên một lớp mỏng cho con. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên thay tã cho con chứ không bao giờ để quá lâu. Và khi có điều kiện, chị Nga thường để cho con được "thông thoáng" mà không cần đóng bỉm. Thời gian này các mẹ sẽ khá vất vả vì con tè nhiều lắm, nhưng còn hơn ủ bé suốt ngày trong tã giấy, sau đó cho con tắm rồi lại mặc tã. Mỗi lần thay tã chị đều bôi một lớp kem chống hăm mỏng cho con.
Để phòng tránh hăm tã cho con ngay từ đầu, thì việc chọn loại bỉm xịn một chút lại là lựa chọn của mẹ bé Mít. Chị chia sẻ kinh nghiệm chọn bỉm cho con như sau: Các mẹ nhớ chọn tã có vách chống tràn mềm sẽ giúp con bớt cọ xát, mẩn ngứa. Mặt tiếp xúc làm bằng chất liệu thông thoáng mềm mỏng cũng giúp trẻ dễ chịu hơn trong sinh hoạt.
Khi mua bỉm, các mẹ nên chọn loại có màng đáy thoáng dạng vải, không quá dầy sẽ thích hợp hơn đối với làn da nhạy cảm của bé, nhất là vùng đùi nơi tiếp xúc với đáy tã. Có thể chọn mua 2 loại bỉm, loại thường thì dùng ban ngày (thay thường xuyên); loại tốt hơn dùng ban đêm (thay ít hơn).
Theo Afamily