Ngoáy mũi là một thói quen xấu mất vệ sinh rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nằm trong nhóm các tật xấu cắn móng tay, nghiến răng…
Bé thích ngoáy mũi có thể do tò mò hoặc buồn chán. Giống như những thói quen khác, ngoáy mũi giúp giảm căng thẳng hoặc giúp bé "tiêu hao" thời gian rỗi.
Mặc dù nhiều cha mẹ xem đây là một trong “những thói quen do thần kinh căng thẳng” của bé (gồm mút tay, gặm móng tay, giựt tóc, nghiến răng) thì ngoáy mũi cũng không phải là dấu hiệu cho thấy bé đang lo lắng tột độ.
Bé có thể tự bỏ thói quen xấu này khi đã trưởng thành nếu bé không thích nữa hoặc do bị bạn bè chê cười.
Hậu quả của việc ngoáy mũi
Mặc dù ngoáy mũi không quá nguy hiểm nhưng việc làm này có thể đưa các loại vi khuẩn gây bệnh vào mũi qua ngón tay trẻ.
Ngoáy mũi không quá nguy hiểm (với các bé 2 tuổi) nhưng khi các bé đã nhiễm tật xấu này thì thường có xu hướng dễ bị dị ứng hoặc nhiễm trùng. Và khi nước mũi và dỉ mũi càng chảy ra nhiều, càng kích thích bé ngoáy mũi.
Bé ngoáy mũi nhiều còn có thể gây chảy máu dẫn đến tình trạng đau nhức mũi khi ngủ... Lúc này, tật xấu này được xếp vào những hành vi đáng lo.
Đừng bao giờ đánh mắng trẻ nhé vì bé chưa ý thức được hành động của mình đâu. (Ảnh minh họa)
Giúp con bỏ tật ngoáy mũi
Hướng sự chú ý của bé sang một vật khác: Bạn có thể nhận biết được thời gian và địa điểm bé thích ngoáy mũi, chẳng hạn như khi bé xem các chương trình yêu thích trên truyền hình. Khi ấy, bạn nên đưa cho bé một món đồ chơi hoặc giúp bé gỉ mũi khi cần.
Không trừng phạt con: Để hạn chế trẻ ngoáy mũi, bạn không nên trách mắng hay trừng phạt trẻ vì trẻ còn nhỏ chưa ý thức được việc làm của mình, bạn cũng không nên băng ngón tay trẻ lại vì có thể càng kích thích trẻ tái phạm nhiều hơn.
Chú ý đến điều kiện môi trường sống xung quanh bé: Khi trẻ thường xuyên ngoáy mũi, việc bạn cần làm là hướng dẫn trẻ lau sạch mũi bằng khăn hoặc giấy sạch, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và quan tâm đến môi trường sống của trẻ. Nếu trẻ bị khô mũi do thời tiết hanh khô thì có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hay nước muối biển.
Chờ đợi và hy vọng: Khi bé lớn hơn và có thể tham gia những trò chơi phức tạp như xếp hình hay chơi rubic... bé sẽ không còn thời gian rảnh để ngoáy mũi.
Nếu không, bạn có thể đợi đến khi bé bắt đầu đi học. Lúc đó, các bạn cùng lớp sẽ trêu: “Ê! Bạn ấy ngoáy mũi kìa”. Bé sẽ xấu hổ mà từ bỏ thói quen này. Nhưng trước khi đến thời điểm đó, cha mẹ nên là người làm gương cho trẻ giúp trẻ bỏ tật ngoáy mũi để tránh những tác động xấu đến mũi của trẻ như viêm mũi hay dị ứng mũi…
Theo afamily.vn